Mỗi người mẹ sinh con ra đều mong muốn con mình khỏe mạnh, biết nói, biết cười. Nhưng khi mà người mẹ sinh ra được đứa con chẳng thể nói cười thì họ sẽ làm gì? Đưa con đi chạy chữa, buồn chán, đau khổ hay phó thác cho số phận đứa trẻ? Ở trong hoàn cảnh như vậy nhưng có một người mẹ ở huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng đã không cam chịu để con phải chịu thiệt thòi của trẻ khuyết tật. Mặc dù con của chị sinh ra bị khiếm khuyết về thính giác, không nghe, nói được như những trẻ em khác và có nguy cơ trở thành trẻ câm điếc nhưng bằng niềm tin, tình thương yêu con, chị đã kiên trì, bền bỉ, học cách dạy trẻ ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính, phục hồi chức năng nghe, nói, hướng dẫn con cách phát âm. Hành trình tìm lại thanh âm, tiếng nói cho con của thi Nguyễn Thị Thuận trải qua vô vàn gian nan, trở ngại. Có lúc chị từng nản chí, muốn buông xuôi nhưng tình thương đối với con và nghị lực đã giúp chị vượt lên để đồng hành cùng con. Từng là một kỹ sư ngành hóa dầu, có vị trí việc làm với mức thu nhập cao tại một công ty xuất nhập khẩu tại Hải Phòng, chị Thuận đã từ bỏ công việc để dành toàn bộ thời gian tìm tòi, đi học phương pháp dạy trẻ câm điếc. Vừa nuôi con, chị vừa ôn thi để thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội và đăng ký chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Chị trở thành một giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt thực thụ để mang những kiến thức học được dạy cho con. Những nỗ lực của chị đã mang lại kết quả, con chị đã nghe được những thanh âm của cuộc sống, tiếng nói của cha mẹ người thân và biết cách phát âm rồi biết đọc và có thể đến trường học hòa nhập cùng bạn bè. Hiện cháu đã học lớp 6. Biết được những việc làm đầy tình thương của chị đối với trẻ khiếm thính, nhiều bà mẹ có con bị câm điếc bẩm sinh đã tin tưởng đưa con đến nhờ chị dạy và phục hồi chức năng. Đồng cảm với những gia đình có trẻ bị câm điếc bẩm sinh chị đã tiếp nhận trẻ câm điếc để chăm sóc, dạy bán trú cho các em. Rời thành phố về nông thôn, chị mở lớp học cho trẻ khiếm thính ở huyện Thủy Nguyên. Để có lớp học cho trẻ câm điếc, chị đã thuyết phục bố mẹ chồng cho mượn hẳn ngôi nhà cùng khuân viên rộng 300m2 để làm trường học cho các em. Từ năm 2016 đến nay, lớp học của chị thường xuyên có 20 trẻ khiếm thính đến học tập. Từ lớp học cho trẻ khiếm thính của chị Thuận, 15 em đã có khả năng nghe, nói để đến trường học hòa nhập cùng bạn bè. Lớp học đặc biệt dành cho trẻ khiếm thính mang tên Bình Minh mang đến niềm vui cho nhiều trẻ em bị câm điếc bẩm sinh ở huyện Thủy Nguyên- Hải Phòng, đem đến niềm tin cho nhiều bậc cha mẹ tiếp tục đồng hành cùng con trên bước đường hòa nhập.

TRỌN BỘ