Huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 30,32% dân số toàn huyện. Đặc điểm của bà con ở đây là sống rãi rác trong phum sóc và trên các tuyến kênh, cụm dân cư, thường sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, đời sống còn nhiều khó khăn. Bài toán để giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo, được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo là vận động người dân phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, trong đó mô hình Hợp tác xã kiểu mới có nhiều ưu điểm nổi bật, phát huy được hiệu quả, nông dân tự làm chủ trên thửa ruộng của mình. Hợp tác xã Tân Hưng, tọa lạc tại xã Giục Tượng, Châu Thành (Kiên Giang) được thành lập năm 2007. Năm 2015, từ khi HTX Tân Hưng chuyển sang thực hiện mô hình HTX kiểu mới, thì mọi hoạt động ở đây đã thay đổi về chất, liên tục gặt hái được các vụ mùa bội thu. Lúc đầu chỉ có 29 thành viên, với 60 ha, đến nay HTX đã có 173 thành viên tham gia, với diện tích 512 ha. Hiện nay, 100 thành viên của HTX Tân Hưng, trong đó có 98% thành viên là bà con dân tộc Khmer, đã thoát nghèo, trong đó, có từ 50% đến 60% số hộ khá giàu. Đây là một trong những HTX đi đầu trong phong trào học tập làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, đi đầu trong việc thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới. HTX đã được tuyên dương điển hình trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX tại Hà Nội ./.

TRỌN BỘ